Ông Nguyễn Tử Quảng – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bkav (Ảnh: M.Chung) |
Trung tuần tháng 5/2019, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” đã được Bộ TT&TT tổ chức thành công. Với tuyên bố chung “Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ vì một Việt Nam hùng cường, tạo nên khát vọng một dân tộc hóa rồng vào năm 2045.
Ở góc độ của một doanh nghiệp công nghệ đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt trong hơn 10 năm qua, nói về tương lai của “Make in Vietnam”, ông Nguyễn Tử Quảng – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bkav nhận định, cơ hội để Việt Nam phát triển dựa vào khoa học công nghệ là rất lớn.
Tuy nhiên theo ông, đây là cơ hội chung của thế giới. Cả thế giới cùng xuất phát điểm. Điều đó là thuận lợi, nhưng cũng là sự cạnh tranh cũng vô cùng lớn. Do đó, nếu thực hiện không bài bản thì Việt Nam sẽ rất khó để bứt phá.
Người đứng đầu Bkav cũng cho biết, để thực hiện “Make in Vietnam” các doanh nghiệp khoa học công nghệ rất cần sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ. “Một điều quan trọng không kém là Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt Nam không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu trên thế giới. Nếu thay đổi định kiến đó, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ và trong 15 năm tiếp theo, có thể trở thành cường quốc về công nghệ. Dựa vào KHCN để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường không phải không thể”, ông Nguyễn Tử Quảng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy đối với việc hiện thực hóa khát vọng, định hướng “Make in Vietnam”, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng khẳng định: nếu muốn khoa học công nghệ là động lực phát triển của quốc gia thì không thể thiếu vai trò của chính sách.
Thực tế trong hơn 10 năm qua Bkav đã làm, nhưng chính sách chưa thực sự thuận lợi để các doanh nghiệp bùng nổ. Trước đây, các doanh nghiệp vẫn phải tự mình vận động và gần như chưa có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi tại các nước phát triển dựa trên khoa học công nghệ như Đài Loan, Hàn Quốc, hay gần đây nhất là Trung Quốc... thì vai trò của chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước đứng sau là rất lớn.
“Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là doanh nghiệp phải tốt rồi, Nhà nước tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm việc, chứ không phải doanh nghiệp dựa dẫm vào Nhà nước”, người đứng đầu Bkav nói rõ thêm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm gian hàng của Bkav tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/5 vừa qua. |