Tính đến cuối tháng 9, đã có 10.696 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số tham gia Chương trình SMEdx. (Ảnh minh họa)Theo đại diện Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ TT&TT giao là đầu mối triển khai Chương trình SMEdx, trong hơn 8 tháng qua, các địa phương đã tích cực phối hợp truyền thông về những hoạt động của Chương trình, nhờ đó đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, có hơn 20 đơn vị cung cấp nền tảng số Make in Vietnam tham gia và đặc biệt là hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng, trải nghiệm các nền tảng chuyển đổi số.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tới đây Chương trình SMEdx sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các nền tảng số chất lượng cao, có giá trị, đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. “Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đang gấp rút triển khai các công nghệ mới trong việc tiếp cận, giới thiệu và hỗ trợ các SME đăng ký sử dụng nền tảng số hiệu quả”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Dự kiến trong những tháng cuối năm, các chương trình đào tạo, hội thảo cũng tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương, có thể theo hình thức trực tuyến. Mục tiêu là có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh vốn không có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ số, được gặp, nghe và trao đổi với các nhà sáng lập nền tảng, các chuyên gia chuyển đổi số để từ đó lựa chọn, đăng ký được đúng nền tảng mà doanh nghiệp cần.
Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình SMEdx, Bộ TT&TT vừa đề nghị các Sở TT&TT trên cả nước cung cấp danh sách doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn để Chương trình gửi thông tin giới thiệu nhằm truyền thông, tăng cơ hội tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số.
Các Sở TT&TT địa phương cũng được đề nghị phối hợp thông tin đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khảo sát trực tuyến. Mục đích là giúp Bộ TT&TT đánh giá hiện trạng sử dụng các nền tảng số thuộc Chương trình SMEdx cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp để có những cải thiện, bổ sung phù hợp.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số - SMEdx đặt mục tiêu mỗi năm có tối thiểu 50.000 người được tiếp cận Chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tối thiểu 30.000 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp. Đồng thời, thiết lập được Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số. |
Vân Anh

Thêm 6 nền tảng “Make in Vietnam” xuất sắc giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Với việc bổ sung 6 nền tảng số mới: MISA AMIS, Ubot Meeting, Ubot Invoice, Gapowork, Joboko và Vexere, hiện số nền tảng “Make in Vietnam” xuất sắc được đánh giá, chọn tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số là 24 nền tảng.
">