|
Nền tảng này không thể thích nghi với một môi trường mạng xã hội đang thay đổi quá nhanh. Ảnh: SCMP. |
Với thế hệ Millennials Trung Quốc, Renren còn hơn cả một mạng xã hội. Nó là cuốn nhật ký số, lưu giữ những kỷ niệm thời sinh viên, tình bạn và các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Nhưng gần đây, người dùng phát hiện rằng nền tảng được mệnh danh là "Facebook của Trung Quốc" này đã không còn khả dụng, Sixth Toneđưa tin.
Theo truyền thông nội địa, từ đầu tháng 12, người dùng Renren không thể đăng nhập vào tài khoản, chỉ nhận được thông báo lỗi liên quan đến tài khoản và mật khẩu. Đến ngày 2/12, nền tảng này xác nhận đã tạm dừng hoạt động để "nâng cấp”.
Từng chỉ đứng sau Tencent, Baidu
Trên trang web chính thức, Renren thông báo: "Chúng tôi đang nâng cấp nền tảng, giống như việc thay thế chiếc xe động cơ đốt trong đáng tin cậy của bạn bằng một chiếc xe năng lượng mới hiện đại hơn sau nhiều năm sử dụng. Mong mọi người kiên nhẫn chờ đợi đến khi 'chiếc xe mới' chính thức ra mắt”.
Renren cũng cam kết rằng mọi dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ được bảo vệ trong quá trình nâng cấp.
Được thành lập vào năm 2005 với tên gọi Xiaonei, Renren vốn là một mạng xã hội dành riêng cho sinh viên đại học, do Wang Xing - người sau này sáng lập Meituan - cùng một nhóm sinh viên phát triển. Đến năm 2009, nền tảng này được đổi tên thành Renren, mở rộng đối tượng sử dụng sang người trẻ.
|
Giao diện Renren thời còn được gọi là Xiaonei. Ảnh: Business Insider. |
Vào cuối năm 2010, Renren đã thu hút được 170 triệu người dùng đăng ký. Một năm sau, nền tảng này lên sàn chứng khoán New York, đạt giá trị vốn hóa hơn 7 tỷ USD, chỉ đứng sau Tencent và Baidu trong số các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc thời điểm đó.
Một trong những tính năng nổi bật của Renren là trò chơi "Happy Farm”, được ra mắt vào năm 2008. Đây là một trò chơi nông trại ảo. Người dùng có thể trồng cây, tưới nước, thu hoạch và trao đổi nông sản để tích điểm. Trò chơi này đã trở thành hiện tượng tại Trung Quốc, truyền cảm hứng cho các tính năng tương tự trên Facebook và QZone của Tencent, đồng thời biến cụm từ "trộm rau" thành một cơn sốt văn hóa.
Tuy nhiên, thập niên 2010 là giai đoạn Renren suy giảm nhanh chóng. Nền tảng này không thể thích nghi với một môi trường mạng xã hội đang thay đổi quá nhanh. Những nỗ lực mở rộng sang các lĩnh vực như game, mua theo nhóm hay video trực tuyến đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Trong khi đó, các nền tảng mới như siêu ứng dụng WeChat và mạng xã hội Weibo với các tính năng sáng tạo hơn và giao diện thân thiện với thiết bị di động đã chiếm lĩnh thị trường. Đến năm 2018, Renren được bán với giá 20 triệu USD, đánh dấu sự lụi tàn trên bản đồ Internet Trung Quốc, theo Sixth Tone.
Không mạng xã hội Trung Quốc nào thay thế được
Thông báo tạm ngưng hoạt động đột ngột của Renren trong tuần này đã khiến nhiều người dùng hoang mang. Họ không thể truy cập những dữ liệu quý giá của mình. Vì không có thông báo trước, người dùng không kịp sao lưu hoặc di chuyển dữ liệu sang nơi khác.
Một số vấn đề đã bắt đầu từ nhiều tháng trước. Là một người dùng cũ, cô Qu chia sẻ từng cố gắng đăng nhập vào tài khoản Renren của mình để lấy lại một bức ảnh đáng nhớ nhưng chỉ nhận được thông báo lỗi.
Bức ảnh được chụp vào năm 2009, khi cô còn là sinh viên đại học ở Anh, ghi lại chuyến thăm một hồ nước ở Đức. Trong lần trở lại nơi này gần đây, cô nhận ra rằng bức ảnh chỉ được lưu trữ trên Renren sau khi ổ cứng của cô bị hỏng nhiều năm trước.
|
Giao diện đăng nhập của Renren. Ảnh: SCMP. |
Qu quyết tâm khôi phục bức ảnh bằng cách tìm đến một dịch vụ trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Cô đã trả 200 nhân dân tệ (khoảng 28 USD) để lấy lại quyền truy cập vào tài khoản. Sau khi thành công, cô đã chia sẻ cách làm này trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người muốn khôi phục kỷ niệm của mình, theo/ Sixth Tone.
Một người dùng khác tên Yin cũng tìm đến Taobao nhưng cuối cùng thành công bằng cách gửi khiếu nại qua Nền tảng Khiếu nại Dịch vụ Thông tin Internet (Internet Information Service Complaint Platform). Sau khoảng 2-3 tuần, bộ phận chăm sóc khách hàng của Renren đã gửi email trả lại dữ liệu cho anh.
Li Kun, một sinh viên đại học từ năm 2010-2014, từng là "nữ thần ký túc xá" trên Renren. Danh hiệu này dành cho những người có hồ sơ được ghé thăm nhiều nhất. Những bài đăng của cô chủ yếu cập nhật về cuộc sống học đường bằng hình ảnh và văn bản.
Sau khi tốt nghiệp, Li đầu quân cho Renren, hiện thực hóa ước mơ lâu nay của mình. Vào thời điểm đó, Renren là một tên tuổi lớn trong ngành công nghệ Trung Quốc. Nhân viên của công ty rất được săn đón. "Có Renren trên hồ sơ làm việc từng là một lợi thế lớn để chuyển việc”, Li nói với Sixth Tone.
Dù đã chuyển sang công ty khác, cô và chồng vẫn chọn sống gần trụ sở cũ của Renren, một phần vì những ký ức gắn bó với nơi này. Năm 2017, họ trở lại trụ sở để chụp ảnh cưới trước logo công ty. Thừa nhận rằng thời thế đã thay đổi, nhưng Li vẫn khẳng định: "Ở Trung Quốc, không có nền tảng nào thay thế được Renren”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
">