Báo động hàng trăm khu đất vàng Sài GònKiểm toán Nhà nước đã đề nghị truy thu tiền sử dụng đất, thuế và các xử lý tài chính khác đối với 30 dự án bất động sản tại TP.HCM. 300 mặt bằng, thuộc các dự án bất động sản trên địa bàn cũng bị đề nghị thu hồi.
“Điều này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản TP, đến các chủ đầu tư, các nhà đầu tư thứ cấp, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại và người mua nhà”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định.
Cũng theo Hiệp hội, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản về 7 dự án đầu tư sử dụng đất, có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, trên địa bàn quận Phú Nhuận. Trước đó, 1 dự án căn hộ hạng sang trên đường Cô Giang, quận 1, cũng nằm trong danh sách Sở Tài Nguyên & Môi trường TP.HCM đề nghị xem xét là việc giao đất chỉ định, không qua đấu giá.
|
Hàng trăm khu đất vàng Sài Gòn bị thu hồi, truy thu thuế? |
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính toán giá trị tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp, đảm bảo không thất thoát ngân sách, là chủ trương đúng đắn. Những doanh nghiệp được giao đất vàng thấp hơn giá thị trường sẽ bị truy thu phần chênh lệch. Trong ngắn hạn việc này có thể tác động đến một số quyền lợi nhất định của người mua như: Quyền thế chấp tài sản, giá trị giao dịch thứ cấp có thể ảnh hưởng…
Trục lợi đất công bằng chiêu ‘tạm nộp tiền sử dụng đất’
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, nhiều khu đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đưa vào làm dự án, nhưng không thông qua đấu giá.
Bằng việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”, mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, vì chưa được UBND cấp tỉnh duyệt giá cụ thể, nhưng nhiều dự án vẫn được cấp phép xây dựng, huy động vốn, thậm chí đã bàn giao nhà cho người mua.
Luật sư Phượng cho rằng, trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành, không có một quy định nào khái niệm “tạm nộp tiền sử dụng đất”, việc “tạm nộp tiền sử dụng đất”. Nhưng trong quá trình quản lý điều hành, thì các cơ quan chức năng lại ưu ái áp dụng cho chủ đầu tư, giống như trường hợp đã nộp hết tiền sử dụng đất. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan biết, nhưng vẫn cho chủ đầu tư thực hiện việc thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, hoàn công.
Như vậy, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã được chính quyền cởi mở bằng việc “tạm nộp tiền sử dụng đất” một phần. Qua đó, chủ đầu tư được nhiều cơ quan cho phép triển khai dự án và không xử lý việc bán, bàn giao nhà cho khách hàng đưa vào sử dụng.
“Do đó, việc cấp giấy phép xây dựng, giao dịch với khách hàng khi chưa có thông báo Sở Xây dựng (hoặc Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện giao dịch) khi dự án chỉ mới “tạm nộp tiền sử dụng đất”, mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất là không đúng quy định pháp luật. Việc “tạm nộp” chỉ xuất hiện ở một số chủ đầu tư và không có trong hệ thống văn bản pháp luật”, luật sư Phượng cho biết.
Cũng theo luật sư Phượng, căn cứ Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Nên với hình thức “tạm nộp” tiền sử dụng đất, theo đúng quy định, Sở Xây dựng sẽ không xác nhận đủ điều kiện giao dịch.
Chủ tịch huyện ký văn bản trái luật, nguy cơ thất thu thuế
Chủ tịch huyện Cần Giuộc Nguyễn Tuấn Thanh và Chủ tịch huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng đã ký văn bản chấp thuận cho 2 cá nhân, làm chủ đầu tư 2 khu đất có quy mô đầu tư trên 20 tỷ, trái Luật Kinh doanh Bất động sản.
Cụ thể, 2 dự án đó là Khu dân cư liên xã Phước Hậu - Long Thượng (dự án được MLand Vietnam mở bán với tên gọi Long Thượng Riverside) và Khu dân cư nông thôn tập trung tại Ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước (dự án được Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Nam Phong chào bán với tên thương mại là Tân Lân Riverside).
Theo luật sư Trần Đức Phượng, thủ tục về thực hiện dự án bất động sản hiện nay bị kéo dài, vì phải qua nhiều bước, gây tình trạng đọng vốn đầu tư, trong thời gian dài. Do vậy, trên thực tế, nhiều cá nhân thu gom đất để thực hiện việc phân lô đất ở (chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, tách thửa) sẽ có lợi, ít tốn kém hơn, so với việc lập dự án bất động sản.
Mặt khác, cá nhân chỉ chịu mức thuế thu nhập cá nhân 2% giá trị chuyển nhượng. Trong khi đó, nếu thành lập doanh nghiệp để đầu tư dự án thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% lợi nhuận. Như vậy, cá nhân thực hiện việc phân lô có nhiều lợi thế về thời gian xoay vòng vốn, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Môi giới giăng bẫy lừa ở dự án Long Thượng Riverside
Long Thượng Riverside được giới thiệu đã hoàn thiện pháp lý. Tuy nhiên, ngày 14/1/2019, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Long An, cho biết, hiện Sở TNMT chưa nhận được hồ sơ chuyển nhượng dự án này.
“Theo quy trình, Sở TNMT khi tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra thực tế dự án có đầy đủ hạ tầng, thì mới cấp phép cho chuyển nhượng. Bởi khi chuyển nhượng người dân vào ở thì phải có điện, có nước, có đường đầy đủ. Việc chủ đầu tư và công ty môi giới mở bán dự án khi Sở TNMT chưa phê duyệt hồ sơ cho phép chuyển nhượng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng thì thẩm quyền xử lý thuộc Sở Xây dựng hoặc UBND huyện Cần Giuộc”, ông Thông nói.
Không chỉ có vấn đề về pháp lý, dự án này còn được quảng cáo với nhiều tiện ích nội khu vô cùng hoàng tráng, nhưng không có trong quy hoạch 1/500 được duyệt. Cụ thể là: Khu compound có camera an ninh 24/24; Trung tâm thương mại; Trường tiểu học, trường mẫu giáo; Cầu cảnh quan, khu vui chơi trẻ em.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, hiện tại ông vẫn chưa nắm thông tin về việc MLand Vietnam mở bán dự án Long Thượng Riverside. Từ những thông tin VietNamNet phản ánh, ông sẽ cho kiểm tra và mời Mland Vietnam tới làm việc.
Quốc Đại
Loạn chiêu trò đất Long An: “Bên em đâu có sợ gì đâu”
Sau khi bị phát hiện ‘quăng bom’, vẽ tiện ích không có trong quy hoạch được duyệt, để dụ khách, dự án Long Thượng Riverside lại tái xuất với tên mới là Khu dân cư Long Thượng.
">