|
Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 vừa diễn ra tối qua, ngày 19/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Được Tập đoàn VNPT cùng VTV và báo điện tử Dân trí đồng tổ chức từ năm 2005, đến nay Nhân tài Đất Việt đã bước sang năm thứ 12, trở thành một sân chơi rộng mở để các nhân tài của đất nước có cơ hội thể hiện sức mạnh của trí tuệ và sự sáng tạo phục vụ cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết, năm 2016 trước những yêu cầu bức thiết về chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các startup công nghệ cùng không khí khởi nghiệp lan tỏa khắp đất nước, giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã có những đổi mới mạnh mẽ. Với các chủ đề “Vì chất lượng cuộc sống” và “Đồng hành cùng startup”, Nhân tài Đất Việt năm nay lựa chọn tôn vinh những sản phẩm ứng dụng thiết thực nhất cho đời sống cũng như đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo điện tử Dân Trí, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016, các sản phẩm CNTT dự thi Nhân tài Đất Việt năm nay đánh dấu sự trưởng thành của mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Trong 20 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo, có tới 14 sản phẩm startup. Lần đầu tiên trong một thời gian ngắn, các sản phẩm CNTT này đã thu hút được vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD từ nguồn đầu tư trong nước và các Quỹ đầu tư quốc tế.
“Có thể nói, các sản phẩm CNTT dự thi năm nay đã tiếp cận với những thay đổi, cập nhật xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới và có nhiều sản phẩm hướng tới việc giải quyết các nhu cầu bức bách của xã hội trong quản lý giao thông, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng. Với 426 thí sinh gửi 260 sản phẩm dự thi trong đó có những sản phẩm đã khởi nghiệp thành công trên thị trường, có thể nói startup Việt Nam đã vươn tầm ra thế giới và đã có thành công ngay cả trên thị trường Mỹ”, ông Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 12 vào tối 19/11, Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, Năm 2005, khi kỷ niệm 30 năm giải phóng đất nước, thu nhập đầu người của Việt Nam khoảng 700 USD, nước Việt Nam còn là nước nghèo trên thế giới; nhưng chính trong năm đó, Hội Khuyến học Việt Nam, từ sáng kiến của báo điện tử Dân trí, đã tổ chức giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực CNTT.
Mười hai năm trôi qua, Việt Nam không còn là nước nghèo, thu nhập đầu người của nước ta hiện nay là 2.200 USD, vượt 2 lần so với mức nghèo trên thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thành tựu này, từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ lao động của hàng chục triệu người Việt Nam là nông dân, công nhân, tri thức, giáo viên, bác sĩ…cùng sự hy sinh không mệt mỏi của các chiến sĩ Quân đội, Công an. Lực lượng lao động của Việt Nam cũng đã ngày càng tăng, từ chỗ tăng nửa triệu người/ năm thì hiện nay mỗi năm thêm 1 triệu người.
“Nhưng một nguyên nhân rất quan trọng đứng sau sự phát triển đất nước chúng ta, đó là sự sáng tạo của người Việt Nam. Sáng tạo không ngừng, sáng tạo ở mọi lứa tuổi và sáng tạo trên khắp mọi miền đất nước. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một trong nhiều giải thưởng đã góp phần quan trọng khẳng định khả năng sáng tạo của người Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Đề cập những bước phát triển của giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong chặng đường vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, giải thưởng Nhân tài Đất Việt là sáng kiến của một đoàn thể nhân dân, được sự hỗ trợ của xã hội, sự đồng hành của Tập đoàn VNPT và các doanh nghiệp, hơn 10 năm qua, giải từ chỗ tập trung vào CNTT đã mở rộng sang sáng tạo Khoa học công nghệ, Môi trường, Y tế, khuyến khích những ứng dụng đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Đặc biệt, năm nay giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã tuyên dương những công trình sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc thi lần này đã nói lên rằng Nhân tài Đất Việt là một trong những giải tiên phong tuyên dương khởi nghiệp sáng tạo của người Việt Nam. Đây là sứ mạng của 20 năm tới nếu nước ta muốn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, dân số Việt Nam hiện nay là hơn 72 triệu người nhưng chỉ có hơn nửa triệu doanh nghiệp và tỷ lệ 170 người dân có 1 doanh nghiệp, rất thấp. Nếu so với thế giới, những quốc gia có từ 60 đến hơn 100 triệu dân, thu nhập đầu người khoảng 2.000 - 3.000 USD thì bình quân phải 30 người dân có 1 doanh nghiệp. Theo dự kiến của Chính phủ, từ nay đến khoảng năm 2035, Việt Nam phải có 3,5 triệu doanh nghiệp, tức là 20 năm nữa chúng ta phải có thêm 3 triệu doanh nghiệp mới mà phải là những doanh nghiệp sáng tạo.
Theo phân tích của ông Nhân, hiện nay mỗi năm có hơn 400.000 kỹ sư đại học, cao đẳng ra trường và sau năm 2020 mỗi năm có nửa triệu kỹ sư đại học, cao đẳng ra trường. Như vậy, 20 năm tới sẽ có 10 triệu kỹ sư đại học, cao đẳng ra trường - đây chính là lực lượng nòng cốt để ra đời thêm 3 triệu doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó có ngày càng nhiều doanh nghiệp sáng tạo.
“Chúng ta cần nhiều giải thưởng Nhân tài Đất Việt để khẳng định sự sáng tạo của người Việt. Trong kỷ niệm lần thứ 12 của mình, Nhân tài Đất Việt đã khởi đầu sự nghiệp 20 năm tới: đồng hành cùng đất nước để khởi nghiệp sáng tạo. Mỗi năm có 1 triệu thanh niên Việt Nam bước vào đời, trong đó có nửa triệu người có trình độ đại học. Chúng ta hãy hỗ trợ lớp trẻ để hình thành thêm 3 triệu doanh nghiệp trong 20 năm tới, vì tương lai của thanh niên, vì tương lai của đất nước Việt Nam; để đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những thanh niên hôm nay, lúc đó đã là trung niên có thể nhớ tới Bác Hồ và nói rằng đất nước Việt Nam đã và đang sánh vai với các cường quốc 5 châu”, ông Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng.
Cũng trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016, cùng với việc khẳng định Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục là đơn vị tài trợ chính cho giải thưởng, Phó Tổng giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường đã thay mặt đơn vị đồng tổ chức và nhà tài trợ chính VNPT - tuyên bố chính thức phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt 2017 trong lĩnh vực CNTT, Khoa học, Y dược và Môi trường.
">