Đến 19h cùng ngày, bệnh nhân sốt tăng lên 39,1 độ C, mệt nhiều, đến 22h xuất hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, xét nghiệm men tim tăng. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp và chuyển sang khoa A9 BV Bạch Mai lúc 2h ngày 20/10 để cấp cứu nhưng đến 6h ngày 21/10 đã tử vong với chẩn đoán sốc tim, theo dõi viêm cơ tim cấp.
Bệnh nhân thứ hai là Phùng Mai Ly, 34 tuổi, có biểu hiện sốt vào chiều 23/10 kèm mệt mỏi, tim đập nhanh, đi ngoài, bệnh nhân tự điều trị uống thuốc hạ sốt Paradol (2 viên không rõ liều).
Ngày 24/10, bệnh nhân nghỉ làm ở nhà, mệt nhiều hơn, tim đập nhanh, sốt bệnh nhân tự điều trị bằng Paradol không rõ liều. Ngày 25/10, chị Ly xuất hiện nôn nhiều, đau bụng và đau tức vùng lưng, không ăn được, cấp cứu ở phòng khám đa khoa Hồng Ngọc trong tình trạng ý thức vật vã, kích thích, da niêm mạc nhợt, sốt nhẹ 37,5 độ, mạch yếu, không đo được huyết áp, không đo được SpO2, không làm được điện tim, không lấy máu xét nghiệm được.
Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân suy tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân. Xử trí ban đầu tại phòng khám là đặt đường truyền tĩnh mạch (dịch truyền là NaCl 0,9%) và thở oxy.
Đến 13h35 cùng ngày, phòng khám chuyển bệnh nhân đến cấp cứu tại BV Bạch Mai. Dù được điều trị tích cực song đến 15h ngày 25/10, chị Ly đã tử vong với chẩn đoán: Ngừng tuần hoàn, theo dõi viêm cơ tim cấp.
Trong vòng 2 tuần trước khi khởi phát, hai bệnh nhân này không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người bị ốm sốt, không tiếp xúc với người nước ngoài. Tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học, nơi công tác của bệnh nhân Ngân, có khoảng 70 người làm việc. Tại Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, nơi công tác của bệnh nhân Ly, khoảng 65 người. Tất cả hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận trường hợp nghỉ ốm, nghỉ làm.
Tại gia đình, 9 người có tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân đều có sức khoẻ bình thường. Trong cộng đồng bệnh nhân sinh sống không ghi nhận trường hợp nào mắc nghi bệnh tương tự.
Do 2 bệnh nhân có diễn biến nhanh nên bệnh viện không lấy được các mẫu bệnh phẩm cần thiết cho xét nghiệm vi sinh.
Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định, qua những thông tin và kết quả có được có thể thấy đây là 2 trường hợp mắc bệnh viêm cơ tim cấp riêng lẻ, tản phát, không phải là dịch.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội cho biết, hầu hết các trường hợp viêm cơ tim khó xác định được nguyên nhân. Ở các nước đang phát triển, nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất.
Khi bị viêm cơ tim, tuỳ thời điểm phát hiện, tuỳ mức độ và cơ địa từng người, có trường hợp chỉ 2-3 ngày là khỏi, nhưng cũng có trường hợp diễn biến nhanh, dẫn đến rối loạn nhịp tim, sốc tim và tử vong. Bệnh thường gặp ở người trẻ và dễ bị lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường.
Do đó, khi có những triệu chứng nghiêm trọng của đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, cần đến ngay phòng cấp cứu hoặc gọi trợ giúp y tế khẩn cấp.
Thúy Hạnh
Sau 2 ca tử vong ở Hà Nội, bệnh viêm cơ tim nguy hiểm thế nào?
- Mỗi năm trên thế giới có hơn 350.000 tử vong do viêm cơ tim, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ.
">