Đoàn Thanh Trang (hiện là học sinh lớp 12 một trường tư thục ở Hà Nội) không ngại chia sẻ về sự thay đổi của bản thân từ cấp 2 cho đến khi em bước vào ngôi trường cấp 3 mình đang theo học. Những năm tháng cấp 2, Trang là một đứa trẻ vô cùng nghịch ngợm và ngỗ ngược.
Trang nói rằng xuất phát từ việc không có được sự lắng nghe, quan tâm và luôn cảm thấy cô độc giữa mọi người xung quanh đã đẩy em đến những hành động nổi loạn khi học cấp 2.
Sở thích "quái dị" của Trang những năm tháng đó chính là cãi nhau với các thầy cô giáo. Em cãi suốt ngày và không để cho bất cứ thầy cô nào có thể dạy yên được một tiết khi có mình ngồi ở trong lớp.
“Em cực kỳ thích đi trêu chọc và gây sự với các bạn. Lý do làm những trò như thế là vì em muốn có được sự chú ý, quan tâm từ tất cả mọi người”, Trang kể.
|
Đoàn Thanh Trang chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Ảnh: Thanh Hùng |
Thế nhưng sau những trò đùa có thể nói là ngu ngốc, thì kết cục vẫn chỉ là tiếng cười của một mình bản thân em và ánh nhìn khinh thường, chán ghét từ tất cả mọi người. Bạn học trong lớp ví em như một vỉ than đá đen tối, chạm vào thì bẩn tay. Và rồi tất cả dần dần tránh xa - Trang đã bị tẩy chay.
“Có một câu mà tất cả các bạn trong lớp hồi đó nói, và họ đặt một cái tên mà đến bây giờ em vẫn không thể nào quên được, đó chính là "súc vật". Các bạn đã gọi em với cái tên là súc vật”, nữ sinh nhớ lại.
Đỉnh điểm là khi Trang học lớp 8 - quãng thời gian em tuột dốc nhanh nhất. “Nói thì nhiều người không tin, nhưng có những lần em đã phải sử dụng chất kích thích để có thể quên đi được chính bản thân mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên em suy nghĩ là không muốn mở mắt ra nữa. Em muốn chối bỏ cuộc đời của mình, muốn thiếp ngủ vĩnh viễn vì quá sợ cuộc sống này. Em sợ phải tiếp tục một ngày mới, sợ phải đối mặt với trường học, với bạn bè”.
Thế nhưng, một ngày, Trang nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má bố mình.
“Bố hỏi rằng con có bao giờ cảm thấy có lỗi với bố mẹ không? Còn bố mẹ thì cảm thấy vô cùng có lỗi với con khi không dạy dỗ con ngoan ngoãn và học giỏi như các bạn khác được. Với mọi người, đó có thể là một câu nói hết sức bình thường nhưng với em, đó chính là câu nói khiến bản thân cảm thấy cần phải thay đổi. Em phải quay trở lại là bản thân mình để được là con của bố mẹ một lần nữa”.
Trang đã cố gắng, nỗ lực với hy vọng không để cho bố thất vọng.
Song dù vậy, em vẫn đơn độc trong cuộc hành trình tìm lại chính mình. Em không thể làm được những gì mà mình mong muốn. Những năm tháng cấp 2 rồi cũng khép lại. “Em vẫn như một vỉa than đá đen tối”.
|
Từng bị bạn bè tẩy chay, thậm chí gọi là súc vật nhưng khi được trao niềm tin và cảm nhận được sự yêu thương, Trang đã trở lại là chính mình. Ảnh: Thanh Hùng |
Và rồi Trang bước vào lớp 10, mở đầu cho 3 năm học cấp 3.
Với tâm trạng của một đứa trẻ cấp 2, Trang vẫn cãi nhau với các thầy cô giáo, vẫn đi trêu chọc, gây sự, chia bè phái trong lớp.
Đúng một tuần sau ngày đầu tiên đi học, cô giáo chủ nhiệm là Hoàng Diệu Thúy đã gọi Trang vào phòng để nói chuyện về những việc mà em đã gây ra cho lớp.
“Em bước chân vào phòng cô Thúy với tâm trạng như một tội đồ, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào để có thể che đậy được cảm giác xấu hổ và sợ hãi của mình”, Trang nhớ lại tâm trạng lúc đó.
“Thế nhưng, khi bước chân vào phòng, lần đầu tiên em có cảm giác muốn bay lên vì niềm hạnh phúc hân hoan. Lần đầu tiên em cảm nhận được sự yêu thương và tin tưởng từ một giáo viên với mình dù em đã mắc lỗi như thế”.
Không một lời trách mắng, cô Thúy nói với em rất nhẹ nhàng về chuyện “than đá và kim cương”.
“Tất cả chúng ta ai sinh ra ở trên đời này cũng có một giá trị riêng và chính bản thân em cũng vậy. Con là món quà của sự kết tinh tình yêu thương của cha mẹ. Như vậy, hơn cả kim cương, con là báu vật mà bố mẹ con luôn trân quý. Vậy hãy luôn tỏa sáng và trân trọng những giá trị mà bản thân mình đang có”.
Và rồi bằng sự tin tưởng và yêu thương, cô Thúy đã “thử thách”, giao tất cả những trách nhiệm và chức vụ cao nhất ở trong lớp cho Trang kèm theo chia sẻ: “Cô tin là con sẽ thay đổi và con sẽ làm được. Bởi cô nhìn ra được giá trị của chính bản thân con”.
Thời gian sau đó, trong Trang luôn xuất hiện những câu hỏi như mình phải làm sao để được bạn bè yêu quý, hay phải sống ra sao để thầy cô tin tưởng. Những câu hỏi đó dần theo chân em từ những ngày đầu năm lớp 10 cho đến giờ đây, khi gần hết quãng đời học sinh.
“Cô giáo như một chiếc la bàn luôn định hướng và giúp em bình tĩnh để có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện. Sau 3 năm học với cô, em đã nhận ra mình đã trưởng thành hơn rất nhiều trong cách sống, suy nghĩ, giao tiếp và đối nhân xử thế. Em đã tìm lại được chính bản thân mình.
Những người biết em hồi cấp 2 có thể sẽ không khỏi kinh ngạc khi một đứa trẻ nghịch ngợm, ngỗ ngược, luôn gây ra những trò quậy phá ở trong lớp đã trở thành được như giờ đây. Từ "một vỉa than đá đen tối, hắc ám", em đã tự thanh lọc bản thân để trở thành viên kim cương lấp lánh trong mắt gia đình, thầy cô và bạn bè”.
Trang cảm thấy như được sinh ra lần thứ hai, được sống lại là chính mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, em thực sự cảm thấy đây mới là cuộc sống. Em muốn đi học, muốn được gặp thầy cô, bạn bè.
Trang cho rằng để có được sự trưởng thành ngày hôm nay, công lớn thuộc về cô giáo chủ nhiệm và lớn hơn, đó là một môi trường - trường học hạnh phúc.
Câu chuyện này được Thanh Trang chia sẻ tại chương trình Gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức vừa được phát sóng trên VTV1 tối ngày 2/6 và phát lại vào 21h ngày 9/6 trên VTV7.
Thanh Hùng
Áp lực hãi hùng của nam sinh lớp trưởng khi trượt lớp 10
Thi trượt lớp 10, Đỗ Việt Anh (hiện là học sinh lớp 11D Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từng sống trong những tháng ngày áp lực khủng khiếp.
" alt="Nữ sinh ngỗ nghịch được cô giáo cảm hóa bằng “than đá và kim cương”"/>
Nữ sinh ngỗ nghịch được cô giáo cảm hóa bằng “than đá và kim cương”