|
Đó là khung cảnh thường thấy giữa khu chế xuất được xây dựng nhiều năm trước, phục vụ một ông chủ duy nhất: Apple - công ty giá trị nhất thế giới, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc.
Khung cảnh đó không bộc lộ hết được hàng loạt bí ẩn về tiền công, ưu đãi thuế và phụ cấp mà Trung Quốc ưu ái cho khu vực này.
Tất cả nhằm hỗ trợ nhà máy iPhone lớn nhất thế giới. Tấm màn nhung đó phần nào được hé lộ thông qua hơn 100 bài phỏng vấn công nhân, nhà hậu cần, tài xế, chuyên gia thuế và đủ loại nhân viên Apple của New York Times.
Gói kẹo đường đầy mê hoặc của chính phủ, trị giá hàng triệu USD, là tâm điểm trong chuỗi sản xuất iPhone - sản phẩm đắt khách và lợi nhuận cao nhất từ Apple.
Nhà máy nằm giữa trái tim Trịnh Châu, thành phố 6 triệu dân lọt thỏm trong một vùng đang thoát nghèo của Trung Quốc. Ở giai đoạn công suất cao nhất, nhà máy Foxconn tại đây có thể sản xuất 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày. Cư dân trong khu vực vẫn gọi Trịnh Châu là "thành phố iPhone".
Chính quyền địa phương cũng đầu tư hơn 1,5 tỷ USD hỗ trợ Foxconn xây dựng loạt nhà máy và nhà ở cho công nhân. Họ làm đường, xây trạm năng lượng.
Chính phủ đảm bảo nguồn năng lượng ổn định, trợ giá vận chuyển cũng như ưu đãi chi phí hoạt động. Họ giúp tuyển dụng công nhân cho dây chuyền, có khen thưởng nếu nhà máy giúp địa phương đạt chỉ tiêu xuất khẩu.
Tất cả vì iPhone
"Chúng tôi cần điều gì đó để thực sự nâng tầm vùng kinh tế này của đất nước", ông Li Ziqiang, một cán bộ tại Trịnh Châu nói với The New York Times. "Tục ngữ cổ ở Trung Quốc có câu: 'Nếu bạn xây tổ, chim muông sẽ đến tìm', và giờ, những đàn chim đang đến".
Chính phủ Mỹ từ lâu tỏ ra không hài lòng với các chính sách Trung Quốc dành cho công ty địa phương. Họ cho rằng các ưu đãi đã tạo ra thế cạnh tranh bất công mà phần lợi thuộc về các tập đoàn Trung Quốc, giữa thị trường thế giới.
Nhưng Trịnh Châu là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của đất nước tỷ dân trong việc lôi kéo chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia về Trung Quốc.
Các cán bộ cấp tỉnh Trung Quốc, trong nỗ lực tạo ra việc làm và đảm bảo tăng trưởng, đã ưu ái các nhà sản xuất với những gói hỗ trợ về kinh tế và chính sách đầy hấp dẫn.
Theo góc nhìn này, Trung Quốc không quá khác biệt so với nhiều quốc gia khác, nơi nhà nước và địa phương ngộ đãi các công ty. Để cạnh tranh trong xu hướng toàn cầu hóa, những công ty đa quốc gia, vốn chịu áp lực của cổ đông và khách hàng, phải tìm đến cơ hội tối ưu nhất, bằng giải pháp ngày càng phổ biến là dựa dẫm vào những chuỗi cung ứng chặt chẽ rải rác khắp thế giới.
Dell, Hewlett-Packard và Samsung đều đổ về Trung Quốc để giảm giá thành sản xuất và tiến vào thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhiều công ty trong số đó phụ thuộc vào các đối tác trong nước, như Foxconn.
Trịnh Châu là bức tranh minh họa rõ ràng nhất sự quan trọng của Trung Quốc với các công ty công nghệ Mỹ - đặc biệt là với iPhone và doanh số của Apple.
|
Một phòng xuất nhập khẩu trong đặc khu, nơi các sản phẩm được "mua đi bán lại" trên giấy tờ. Ảnh: The New York Times. |
Một chiếc iPhone 7 32 GB tốn khoảng 400 USD để sản xuất. Ở Mỹ, nó có giá khoảng 649 USD, mang về lợi nhuận 249 USD/chiếc. Kết quả: Apple đang chiếm 90% lợi nhuận của cả ngành smartphone toàn cầu, dù họ chỉ chiếm 12% thị phần, theo thống kê từ Strategy Analytics.
Khó lòng đo đếm giá trị của những ưu đãi mà chính phủ dành cho hoạt động tại Trịnh Châu, hoặc hiệu quả của chúng đối với lợi nhuận của Foxconn và Apple. Những món tiền này không được bất kỳ bên liên quan nào tiết lộ trước công chúng. Apple tuyên bố không liên quan đến những thỏa thuận của Foxconn với chính phủ.
">