Miếng dán màn hình từng là một biện pháp bảo vệ bắt buộc dành cho smartphone, nhưng những tiến bộ trong công nghệ chế tạo màn hình đã khiến chúng trở nên không cần thiết với hầu hết người dùng. Giờ chúng ta sẽ không cần phải mua thêm một miếng dán màn hình mỗi khi tậu về một chiếc điện thoại mới nữa.
Đôi điều về miếng dán bảo vệ
Một miếng dán màn hình là một tấm nhựa plastic trong suốt mà ta dán lên trên màn hình điện thoại của mình. Tấm nhựa được cắt để vừa khít với hình dáng chiếc điện thoại của bạn, kèm theo các lỗ cho phím bấm và loa – đó là lý do tại sao ta phải mua những miếng dán khác nhau cho những chiếc điện thoại khác nhau.
Để dán một miếng bảo vệ, bạn cần làm sạch màn hình điện thoại bằng một miếng vải sợi nhỏ, cho một ít nước xà phòng lên tấm bảo vệ, và đặt nó lên trên màn hình. Bạn cần điều chỉnh để miếng dán vừa khít với màn hình, và đồng thời cũng cần phải đảm bảo nó được dán phẳng phiu lên điện thoại (chắc chắn bạn sẽ không muốn có một vài vết bong bóng xuất hiện bên dưới miếng dán của mình).
Thành quả cuối cùng mà ta thu được là một tấm nhựa bảo vệ cho màn hình điện thoại của bạn. Nếu như có xuất hiện vết xước, thì miếng bảo vệ sẽ chịu vết xước đó. Và dĩ nhiên sẽ dễ dàng thay thế một miếng nhựa bị xước hơn là thay thế tấm kính trên màn hình điện thoại của bạn.
Kính bảo vệ Gorilla Glass
Đã từng có thời miếng dán màn hình là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng hầu hết những thiết bị hiện đại ngày nay đều được đi kèm với các chế độ bảo vệ tiên tiến. Gần như toàn bộ các loại smartphone mà bạn mua bây giờ đều sử dụng kính Gorilla Glass của Corning. Đây là một loại kính cứng, cường lực có khả năng chống xước cao. Đã có nhiều phiên bản của Gorilla Glass được Corning tung ra trong những năm qua – Gorilla Glass 3 được giới thiệu năm 2013 và được quảng cáo rằng nó có khả năng chống xước cao hơn 40% so với Gorilla Glass 2.
Vì vậy màn hình smartphone của bạn vốn dĩ đã có khả năng chống xước – dĩ nhiên với điều kiện nó là loại mới và có tuổi thọ dưới 5 năm.
Nếu như bạn đang sử dụng một miếng dán bảo vệ, có lẽ bạn sẽ thấy một hai vết xước trên màn hình và nghĩ rằng tấm bảo vệ vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của nó. Tuy nhiên điều đó chưa hẳn đã chính xác – những chất liệu có thể làm xước miếng dán màn hình chưa chắc đã có thể làm xước tấm kính trên màn hình của bạn.
Kể cả những chùm chìa khóa trong túi quần bạn cũng không thể làm xước một tấm kính Gorilla Glass đời mới. Loại kính này cứng hơn loại vật liệu được dùng để làm ra chìa khóa, tiền xu, và những vật dụng bằng kim loại thường thấy khác. Cứ thử lấy một chiếc chìa khóa hay một con dao để khía vào một màn hình Gorilla Glass xem và bạn sẽ thấy mình đang làm một việc vô ích (bạn có thể xem bằng chứng trong video phía trên).
Hạn chế của miếng dán màn hình
Miếng dán màn hình làm thay đổi những trải nghiệm trong quá trình sử dụng smartphone của bạn – chúng có thể hơi dít hoặc không nhạy. Đặt một tấm nhựa ngăn cách giữa ta và màn hình sẽ làm thay đổi vẻ ngoài của chiếc điện thoại, nhất là khi miếng dán bị đổi màu theo thời gian. Hơn nữa, một miếng dán có thể nhận những vết xước khó coi mà bình thường sẽ không bao giờ xuất hiện trên màn hình của bạn.
Đấy là với giả thuyết bạn đã dán miếng dính đúng cách – nếu không cẩn thận, bạn có thể làm xuất hiện những vết nứt hay bong bóng phía dưới tấm bảo vệ khiến cho bạn phải bóc nó ra và thay miếng dán mới.
Vậy thì, ta cần miếng dán màn hình khi nào?
Một vài vật liệu thường thấy có thể làm xước tấm kính Gorilla Glass. Kẻ thù tệ nhất là cát. Nếu như bạn đi tắm biển và có cát chui vào túi, chỗ cát đó có thể chà vào màn hình điện thoại và làm xước nó. Tương tự với đá dăm – nếu bạn làm rơi điện thoại và nó trượt trên bề mặt bê tông hoặc đá, nhiều khả năng màn hình sẽ bị xước (đi kèm với những tổn hại khác). Một loại kính khác, kim loại quý, hay những vật liệu siêu cứng như kim cương cũng có thể phá hủy một tấm kính Gorilla Glass.
Vì vậy, nếu thường xuyên đi tắm biển, có lẽ bạn vẫn muốn dùng một miếng dán bảo vệ.
Cũng có những loại miếng dán được phủ một lớp chống vân tay, nhưng màn hình smartphone đời mới được phủ một lớp "oleophobic" có thể loại bỏ lớp dầu trên tay của chúng ta, làm giảm số lượng dấu vân tay trên màn hình. Kể cả khi bạn thấy có quá nhiều dấu vân tay trên đó, chỉ cần lau sạch bằng một tấm vải mềm là xong.
Miếng dán bảo vệ đã không còn là một phụ kiện bắt buộc đối với chiếc điện thoại của chúng ta nữa. Giờ bạn có thể thoải mái dùng một chiếc smartphone đời mới với màn hình "trần như nhộng". Và kể cả khi bạn để điện thoại chung với chìa khóa hay tiền xu thì cũng cứ yên tâm, không sao hết. Dĩ nhiên, có lẽ bạn vẫn sẽ cất chìa khóa và tiền ở một túi khác vì vẫn có khả năng chúng sẽ làm xước những phần khác của chiếc điện thoại thân yêu.
">