|
Vietcombank vừa được chấp thuận nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng. Ảnh: Nam Khánh. |
Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp tại Vietcombank (HoSE: VCB) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được lấy từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.
Trước đó, Chính phủ đã đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ các nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021, với số tiền 27.666 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành ngân hàng.
Cấp tập tăng vốn
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, ngoài Vietcombank, BIDV (HoSE: BID) cũng vừa công bố nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 21 cổ phiếu mới). Nguồn vốn tăng thêm được trích từ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo kế hoạch, nhà băng này sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu mới, tương đương phần vốn tăng thêm hơn 11.970 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 68.975 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng này hoặc quý I năm sau.
Với VietinBank (HoSE: CTG), dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu, tiến trình tăng vốn tại nhà băng này vẫn diễn ra khá chậm.
Tuy vậy, ở phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Không chỉ nhóm ngân hàng vốn Nhà nước, tại nhóm ngân hàng tư nhân, các kế hoạch tăng vốn cũng đang được rốt ráo thực hiện.
HDBank (HoSE: HDB) trước đó đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, nhà băng này được tăng vốn thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
HDBank cho biết sẽ triển khai kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông nắm 100 cổ phiếu nhận 20 cổ phiếu mới). Thời gian dự kiến thực hiện vào quý IV năm nay, thủ tục tăng vốn liên quan thực hiện trong quý I/2025. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng.
Tương tự, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua, các cổ đông LPBank (HoSE: LPB) cũng đã thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 16,8%. Sau phát hành, vốn điều lệ của nhà băng dự kiến đạt 29.873 tỷ đồng.
TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ VỐN ĐIỀU LỆ CAO NHẤT HỆ THỐNG |
Số liệu tính theo kế hoạch tăng vốn các ngân hàng dự kiến hoàn thành trong năm nay và đầu năm sau. |
Nhãn | Vietcombank | VPBank | BIDV | Techcombank | VietinBank | MB | Agribank | ACB | SHB | HDBank |
Vốn điều lệ | tỷ đồng | 83557 | 79339 | 70600 | 70450 | 53700 | 53063 | 51639 | 44666 | 36629 | 34900 |
Xáo trộn bảng xếp hạng vốn điều lệ
Không đứng ngoài xu hướng, Eximbank (HoSE: EIB) vừa qua cũng cho biết đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.219 tỷ đồng, từ gần 17.470 tỷ đồng lên gần 18.700 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023.
Eximbank cho biết vốn điều lệ tăng thêm sẽ được ngân hàng dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng khả năng cung ứng tín dụng, đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo.
Ngoài các ngân hàng kể trên, một loạt ngân hàng thương mại tư nhân cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới như VietBank dự kiến tăng vốn lên 7.139 tỷ đồng; BacABank tăng vốn lên 10.538 tỷ đồng; TPBank tăng lên 26.419 tỷ đồng...
Trong nửa thập kỷ gần đây, bảng xếp hạng vốn điều lệ các nhà băng đã liên tục ghi nhận xáo trộn. Trong đó, khối ngân hàng quốc doanh, vốn chiếm vị thế dẫn đầu về tổng tài sản, quy mô cho vay và huy động vốn đã dần bị nhóm ngân hàng tư nhân vượt qua.
Tuy nhiên, với việc được Quốc hội chấp nhận đầu tư bổ sung vốn, Vietcombank sẽ quay trở lại là "quán quân" vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trong khi đó, quán quân hiện tại - VPBank - sẽ lùi xuống vị trí thứ 2 với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng. Trước đó, nhà băng này đã tăng hơn 54.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong các năm 2021-2023.
Xếp ở vị trí thứ 3 dự kiến là BIDV với vốn điều lệ hơn 70.600 tỷ đồng sau khi thực hiện thành công hai phương án phát hành tăng vốn gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.
Đứng vị trí thứ 4 dự kiến là Techcombank với vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng nhờ đợt tăng vốn vào nửa đầu năm nay. VietinBank sẽ tạm đứng vị trí thứ 5 với số vốn điều lệ 53.700 tỷ đồng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znewsxây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
">