GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà NộiViệc mùng 3 Tết thầy, theo GS Vũ Minh Giang, cũng là để tỏ lòng thành kính, biết ơn người đã dạy mình và có ý nghĩa quan trọng không kém Tết cha, Tết mẹ.
“Xã hội xa xưa quan niệm rằng, một người phải biết trọng tri thức, trọng thầy thì mới có thể thành người tốt. Cho nên, trong khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm và cũng là những ngày hội tụ nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, việc Tết thầy càng mang nhiều ý nghĩa”, GS Vũ Minh Giang nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng, tết gì nên nằm ở tấm lòng người trò.
“Đó có thể là đôi câu đối chúc thầy hay một cuốn sách quý được trò mang đến tặng thầy. Như tôi và một số người bạn của mình khi đến Tết thầy thường mang theo công trình đã viết trong năm vừa qua để báo tin vui tới người đã dạy dỗ mình.
Cho nên, Tết gì miễn phù hợp với quan hệ thầy trò. Và lòng biết ơn nên tránh biến thành cơ chế xin – cho”, GS Giang nêu quan điểm.
Làm thầy giờ khó hơn trước nhiều
Bàn về vai trò của người thầy, GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, trong giáo dục truyền thống và trong xã hội hiện đại, vai trò người thầy không có nhiều sự thay đổi. Người thầy xưa hay nay vẫn dạy trò hai điều: dạy làm người và dạy kiến thức.
Dạy làm người bao gồm dạy chữ “Lễ” - tức dạy cách đối nhân xử thế; dạy học trò có hoài bão – tức dạy trò phải có mục tiêu; dạy học trò lòng nhân ái, bao dung; dạy trò biết chế ngự bản thân và dạy trò biết phân biệt đúng – sai, tốt – xấu.
Ông cho rằng, đây là điều quan trọng, bởi khi dạy những người sẽ bước vào hàng ngũ trí thức – cũng là đội ngũ tinh hoa dẫn dắt dân tộc, hành vi của họ chính là tấm gương cho xã hội noi theo.
Do đó, người thầy lúc này cần phải giỏi về chuyên môn, mực thước trong tư cách và ứng xử để làm gương cho học trò.
Song trước đây, người thầy vốn giáo điều, dựa vào kinh sách. Thời nay, người thầy không còn là nguồn tri thức độc tôn nữa. Thầy cũng không dám nghĩ mình biết nhiều hơn học trò.
Khi người học có thể lựa chọn nhiều kênh thông tin tiếp cận tri thức khác nhau, thay vì truyền đạt thông tin một chiều, thầy cần phải dạy học trò bằng triết lý khai phóng, giúp trò có khả năng tư duy và cách giải quyết vấn đề.
“Thời đại ngày nay, làm thầy khó hơn trước rất nhiều. Người thầy cũng phải trở thành công dân toàn cầu để tiếp cận những phương pháp mới, dạy học trò cách học, cách tự đổi mới và sáng tạo ra tri thức mới hơn là dạy những kiến thức cụ thể”, GS Vũ Minh Giang nói.
"Mùng 3 Tết, chúng tôi kéo tới nhà cô nhưng chẳng biết nói gì"- Trong mắt nhiều cựu học sinh thế hệ 8X, món quà tặng thầy cô ngày Tết thật dung dị, phản ánh cuộc sống một thời khốn khó.
">