|
Lễ công bố chương trình hợp tác giữa PTIT và Qualcomm Technologies diễn ra ngày 24/2. |
Thông qua chương trình hợp tác mới giữa 2 đơn vị, Qualcomm Technologies sẽ tài trợ 100.000 USD cho 4 nhóm nghiên cứu của PTIT để tiến hành các dự án: “Hệ thống máy bay không người lái (UAV) phát hiện hư hỏng đường bộ sau lũ quét sử dụng GPS, bản đồ số và thị giác máy tính bằng công nghệ học sâu”; “Phát triển Kiến trúc Internet vạn vật trên nền 5G hiệu suất cao, độ trễ thấp, an toàn”; “Dự án điện toán biên cho Internet of Things (IoT)”; “Phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe số dựa trên Internet of Medical Things (IoMT) và Trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Các nghiên cứu chuyên dụng trong lĩnh vực 5G, AI, IoT và hệ thống UAV do 4 nhóm của PTIT tiến hành trong 12 tháng.
Trong đó, “Nghiên cứu hệ thống UAV phát hiện hư hỏng đường bộ sau lũ quét sử dụng GPS, bản đồ số và thị giác máy tính bằng công nghệ học sâu” do nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Việt Hưng thiết kế và phát triển. Dự án nhằm phát triển một hệ thống UAV giám sát sạt lở và thiệt hại đường sau lũ quét, tích hợp bản đồ số để xác định các vị trí hư hỏng, sạt lở và định tuyến cho hoạt động cứu trợ, cứu nạn, cung cấp lương thực thực phẩm và các đồ thiết yếu cho người dân trong khu vực chịu thiệt hại. Các kết quả nghiên cứu dự kiến được công bố trên tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín ISI.
Nghiên cứu “Phát triển kiến trúc Internet vạn vật trên nền 5G hiệu suất cao, độ trễ thấp, an toàn” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thế Ngọc; Tiến sĩ Nguyễn Chiến Trinh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Châu thực hiện. Dự án này sẽ là cơ sở cho 2 bài báo trên các Tạp chí ISI/ Scopus, 3 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc gia và 3 bài báo được đăng trên kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc gia/ quốc tế.
“Dự án điện toán biên cho IoT” do Tiến sĩ Hoàng Trọng Minh chủ trì và thực hiện, sẽ xuất bản 2 bài báo được lập chỉ mục Q3/ Scopus hoặc 1 bài báo được lập chỉ mục Q2/ Scopus.
|
“Phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe số dựa trên IoMT và AI” là 1 trong 4 dự án nghiên cứu nhận được tài trợ của Qualcomm Technologies. (Ảnh minh họa: hitconsultant.net) |
“Phát triển các giải pháp chăm sóc sức khỏe số dựa trên IoMT và AI” là nghiên cứu do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Châu; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng và Tiến sĩ Nguyễn Trọng Trung Anh dẫn dắt và tiến hành. Nghiên cứu này sẽ hỗ trợ định hướng nghiên cứu cho ít nhất 1 học viên Cao học của Học viện cũng như làm cơ sở cho ít nhất 1 bài báo được lập chỉ mục ISI /SCOPUS và 1 bài xuất bản trong 1 hội nghị quốc tế và /hoặc tạp chí quốc gia.
Phát biểu tại lễ công bố chương trình hợp tác, Tiến sĩ Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TT&TT cho biết: Hợp tác giữa PTIT với tập đoàn công nghệ lớn thế giới Qualcomm, trước hết là thông qua 4 dự án nghiên cứu khoa học, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên nói riêng và cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành TT&TT cũng như Việt Nam nói chung, góp phần giúp Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ số trong khu vực.
“Tôi hy vọng rằng các hoạt động hợp tác đã được ký kết giữa Học viện và Qualcomm sẽ được triển khai và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, ông Lê Xuân Công nói.
|
Tiến sĩ Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TT&TT phát biểu tại lễ công bố hợp tác. |
Chia sẻ tại sự kiện, Tiến sĩ An-Mei Chen, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Qualcomm Technologies nhận định, Việt Nam đã và đang vững bước bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng công nghệ IoT đa dạng. Qualcomm đang tham gia hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới thể hiện sức mạnh và sự sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo công nghệ Việt Nam.
Đánh giá về chương trình hợp tác giữa Học viện và Qualcomm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt là BigTech như Qualcomm là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của PTIT. Bốn dự án hợp tác khoa học công nghệ cụ thể với Qualcomm được công bố và triển khai từ đầu năm 2022 hứa hẹn khởi đầu tốt đẹp, lâu dài và mang lại lợi ích cho cả Qualcomm và PTIT.
“Chúng tôi mong muốn các hoạt động hợp tác với Qualcomm sẽ góp phần quan trọng cho Học viện trong việc thực thi chiến lược phát triển của mình, phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho đất nước, góp phần đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Quang Anh cho hay.
Vân Anh
PTIT sẽ tuyển sinh các ngành IoT, báo chí số, kỹ thuật dữ liệu trong năm 2022
Theo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), các ngành IoT, Kỹ thuật dữ liệu, Báo chí số và Khoa học máy tính đang được nhà trường xây dựng đề án mở mới và dự kiến tuyển sinh trong năm 2022.
">