Các nhà đầu tư trao đổi và tìm hiểu các dự án tại Bạc Liêu.
HÀNG LOẠT CHỈ SỐ GIẢM ĐIỂM
Qua phân tích 10 chỉ số thành phần và 142 chỉ tiêu cơ bản của Chỉ số PCI năm 2022 cho thấy, trong số 10 chỉ số thành phần thì chỉ có 3 chỉ số tăng điểm và có đến 7 chỉ số giảm điểm so với năm 2021.
Đặc biệt, có đến 7/10 chỉ số thành phần đều có thứ hạng thấp so với cả nước. Trong đó, 3 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Còn 7 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2021 gồm: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ DN và đào tạo lao động.
Một trong những lĩnh vực được cộng đồng DN quan tâm và chỉ số thành phần bị giảm điểm khá nhiều là chỉ số về tiếp cận đất đai. Năm 2022, chỉ số thành phần này chỉ được 7,03 điểm và giảm 9 bậc so với năm 2021.
Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số thành phần này giảm điểm và giảm về thứ hạng. Qua đó cho thấy, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thời gian giải quyết hồ sơ đất đai và thủ tục hành chính về đất đai.
Trong đó, DN rất lo ngại về tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và DN phải chấp nhận “bôi trơn” để hoàn thành sớm các thủ tục, vì đất đai đối với DN chính là tài sản để vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, DN còn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin, dữ liệu về đất đai, dẫn đến chỉ số thành phần này giảm điểm và giảm thứ hạng trong năm 2022.
Từ thực trạng này, đòi hỏi cần phải nỗ lực cải cách quyết liệt hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư thì việc chủ động thông tin về quy hoạch sử dụng đất sẽ là cơ sở quan trọng cho DN an tâm và quyết định đầu tư khi nắm được các quy hoạch về đất đai.
Bởi chẳng có nhà đầu tư nào lại dám “phiêu lưu” khi đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào một dự án mà không nắm chắc được quy hoạch về đất đai có bị biến động hay không?!
Một chỉ số thành phần khác cũng bị giảm điểm khá sâu - đó là tính minh bạch. Năm 2022, chỉ số thành phần này chỉ được 4,71 điểm và giảm 23 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, chỉ số thành phần này có 13/17 chỉ tiêu giảm điểm và 14/17 chỉ tiêu giảm thứ hạng (trong đó có 11 chỉ tiêu có thứ hạng thấp).
Từ kết quả trên cho thấy, việc minh bạch thông tin của tỉnh chưa được cộng đồng DN đánh giá cao, DN còn gặp khó về tiếp cận tài liệu pháp lý, tài liệu quy hoạch, tỷ lệ DN nhận được thông tin, văn bản cần thiết khi yêu cầu cơ quan tỉnh cung cấp thấp, số ngày cung cấp quá lâu.
Cũng như, thông tin trên website của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, dẫn đến tỷ lệ DN thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh thấp (chỉ chiếm 16% và xếp hạng 62/63).
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển đổi số của tỉnh Bạc Liêu xếp vào nhóm thấp nhất cả nước khi việc tiếp cận và ứng dụng thông tin từ DN còn rất hạn chế?!
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những giải pháp góp phần nâng cao Chỉ số PCI. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu thực tập nghề chế biến thủy sản.
Một chỉ số thành phần quan trọng khác có liên quan đến công tác an sinh chính là chỉ số đào tạo lao động. Năm 2022, chỉ số thành phần này chỉ được 4,92 điểm và giảm 5 bậc so với năm 2021.
Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ số thành phần này giảm điểm, nguyên nhân là với 5/11 chỉ tiêu giảm điểm và có thứ hạng thấp. Theo phản ánh của DN, phần lớn các DN hiện nay luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát.
Đồng thời, DN đánh giá lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN. Điều này cho thấy, việc thực thi các chính sách về nguồn cung lao động của địa phương chưa mang lại hiệu quả. Trong khi đó, Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm?!
NÓI NHƯNG KHÔNG LÀM?!
Việc Chỉ số PCI của Bạc Liêu bị giảm điểm “không phanh” và đứng ở thứ hạng thấp trong nhiều năm liền cần được làm rõ trách nhiệm của các ngành quản lý nhà nước. Bởi, để cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, tỉnh đã phân công nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể cho từng sở, ngành và các địa phương. Vậy, nguyên nhân gì đã làm cho Chỉ số PCI của tỉnh bị giảm sâu trong nhiều năm qua? Phải chăng đó là căn bệnh “nói nhưng không làm” của nhiều sở, ngành và địa phương?!
Đây chính là vấn đề cần được Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm làm rõ trách nhiệm chứ không thể để các ngành, địa phương tiếp tục đổ lỗi cho việc đánh giá các Chỉ số PCI còn chưa khách quan hay cảm tính! Bởi thực tế bộ Chỉ số PCI áp dụng cho 63/63 tỉnh, thành phố cả nước chứ không riêng gì tỉnh Bạc Liêu.
Vấn đề đặt ra, tại sao các tỉnh khác làm được và giữ được thứ hạng cao liên tiếp trong nhiều năm liền, còn Bạc Liêu thì không? Cũng như, dù Bạc Liêu nhiều năm liền đứng vào tốp đầu của khu vực ĐBSCL về tăng trưởng kinh tế (GRDP), nhưng vì lý do gì mà Chỉ số PCI lại đạt thấp?!
Có một điều đáng được ghi nhận là tại hội nghị đánh giá Chỉ số PCI được UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các ngành, địa phương trên tinh thần nhìn nhận khách quan, không né tránh và mạnh dạn đánh giá đúng sự thật, làm rõ bản chất vấn đề, nhằm chỉ ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp với quyết tâm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, các ngành, địa phương cũng chỉ ra được một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần chưa đồng bộ, nhất là đơn vị phụ trách chưa thật sự chủ động đề xuất và quyết liệt trong triển khai thực hiện Chỉ số PCI.
Chưa có sự phối hợp, chung tay giữa các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2022, Bạc Liêu không triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) nên chưa đánh giá được các chỉ số giảm điểm do đâu, từ cơ quan, đơn vị nào. Cũng như, từ đánh giá này làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và đơn vị đó.
Nhiều ngành, địa phương còn gặp khó trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến DN, nhất là thủ tục hành chính về đất đai, do Trung ương quy định còn bất cập, chồng chéo và đặt ra nhiều điều kiện làm khó khăn cho DN.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Về nguyên nhân chủ quan, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính có cải thiện, nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực. Ở một số lĩnh vực còn phiền hà và gây khó khăn cho DN như: Thuế, đất đai, xây dựng, đăng ký DN, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường, các thủ tục liên quan đến kinh doanh có điều kiện và tiếp cận vốn…
Trong đó, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và DN chưa đánh giá cao việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến sẽ giúp DN tiết giảm thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, còn một bộ phận DN cố tình không thực hiện theo quy định như hướng dẫn của các sở, ban, ngành, khi nộp hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
Cán bộ tại Bộ phận một cửa chưa được đánh giá cao về am hiểu chuyên môn; các thủ tục tại Bộ phận một cửa chưa được niêm yết công khai.
Công tác tuyên truyền để DN biết đến hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thành phần, nắm được cách thức và lợi ích khi truy cập vào cổng thông tin chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, dẫn đến DN ít truy cập vào website của tỉnh, chưa nắm được tính tiện ích cũng như mức độ đáp ứng nhu cầu của DN.
Việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chưa đạt được hiệu quả cao. Công tác đào tạo lao động vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt về lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát, đồng thời lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của FTA…
Theo LƯ DŨNG (Báo Bạc Liêu)
">